Xuất khẩu gạo tăng và khuyến nghị cho Việt Nam
Đã hơn một thập kỷ nay, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam mới có sự tăng cao như 7 tháng đầu năm 2023. Khi mặt hàng gạo xuất khẩu tăng cao hiếm thấy thì Việt Nam nên tranh thủ cơ hội này...
7 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã vượt lên đứng thứ 13/30 các mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD.
Việt Nam đã ra khỏi nước thiếu hụt lớn về lương thực, trở thành nước xuất khẩu gạo từ năm 1988. Mặt hàng này sớm và liên tục tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên (từ năm 1998 với 1.020 triệu USD).
XUẤT KHẨU GẠO TĂNG CAO VỚI NHIỀU KỲ VỌNG
Năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam thuộc nhóm tương đối cao (trên 3 tỷ USD), đứng thứ 18 trong 35 thành viên và đứng thứ 18 trong 21 thành viên đạt trên 3 tỷ USD; 7 tháng năm 2023 đã vượt lên đứng thứ 13/30 các mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD.
Từ diễn biến của 7 tháng năm 2023 và các yếu tố tác động, xuất khẩu gạo của Việt Nam có 2 kịch bản dự báo cho cả năm 2023.
Kịch bản 1 (kịch bản thấp): nếu bình quân 1 tháng trong 5 tháng còn lại đạt bằng mức của tháng 7, 5 tháng còn lại sẽ đạt 1.625 triệu USD, cộng với 7 tháng đầu năm thì cả năm 2023 sẽ đạt trên 4,2 tỷ USD, tăng 21,8%, hay tăng 753 triệu USD so với năm 2022, cao nhất từ trước đến nay, vượt xa so với kỷ lục đã đạt được vào năm 2012.
Kịch bản 2 (kịch bản cao): nếu bình quân 1 tháng trong 5 tháng còn lại đạt bằng với mức bình quân 1 tháng của 7 tháng đầu năm (369 triệu USD), thì 5 tháng còn lại sẽ đạt 1.845 triệu USD, cộng với 7 tháng đầu năm thì cả năm 2023 sẽ đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng 28,2%, hay tăng trên 970 triệu USD so với năm 2022, cao nhất từ trước đến nay, vượt khá xa so với kỷ lục đã đạt được.
Đạt được kết quả trên là nhờ một số yếu tố quan trọng, như lượng gạo xuất khẩu. Sau khi có gạo xuất khẩu, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sớm đạt trên 1 triệu tấn từ năm 1989 và đạt quy mô lớn (đứng thứ 2, thứ 3 thế giới) từ đó đến năm 2022. Trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng rất cao (18,7%, hay tăng 762 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước) và đạt mức cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay.
Từ diễn biến 7 tháng và các yếu tố tác động, có thể dự báo lượng gạo xuất khẩu cho cả năm 2023 với 2 kịch bản.
Kịch bản 1 (kịch bản thấp): nếu bình quân 1 tháng trong 5 tháng còn lại đạt được bằng với mức của tháng 7 (600 nghìn tấn), thì 5 tháng còn lại sẽ đạt 3000 nghìn tấn; cộng với 7 tháng đầu năm, thì cả năm 2023 sẽ đạt 7833 nghìn tấn, tăng 10,2% hay tăng 727 nghìn tấn so với năm trước, đứng thứ 2 lượng kỷ lục đã đạt được trong năm 2012.
Kịch bản 2 (kịch bản cao): nếu bình quân 1 tháng trong 5 tháng còn lại đạt được bằng với mức bình quân của 7 tháng đầu năm (690,4 nghìn tấn), thì 5 tháng còn lại đạt 3.452 nghìn tấn; cộng với 7 tháng đầu năm, thì cả năm 2023 sẽ đạt 8.285 nghìn tấn, tăng 16,6% hay tăng 1.179 nghìn tấn so với năm trước, đạt kỷ lục mới, cao hơn kỷ lục cũ đạt được vào năm 2012.
Các kịch bản này đều có tính khả thi bởi nhiều yếu tố:
Một là, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ (hiện đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo) bị hạn chế vì giá gạo trong nước tăng; lượng gạo của Thái Lan giảm do hạn hán phải chuyển một số diện tích sang cây trồng khác, lượng lương thực xuất khẩu từ Ukraine giảm vì chiến tranh, các nước Trung Quốc, Philippines bị mưa bão hoành hành và nhiều nước khác thiếu lương thực,…
Hai là, đơn giá xuất khẩu gạo tăng. Theo đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đã cao hơn mức bình quân của 7 tháng năm 2023 (543,3 USD/tấn so với 534,5 USD/tấn). Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2023 đã tăng gần 9,2%, hay tăng 45,5 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là đơn giá cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, cao hơn các mức kỷ lục đã đạt được vào năm 2011 và năm 2021.
TRANH THỦ XUẤT KHẨU KHI ĐƠN GIÁ TĂNG CAO
Từ diễn biến 7 tháng và các yếu tố tác động trong thời gian tới, có thể dự báo 3 kịch bản về đơn giá xuất khẩu trong cả năm 2023.
Kịch bản 1 (kịch bản thấp): nếu bình quân 5 tháng cuối năm bằng với mức bình quân của 7 tháng đầu năm (534,5 USD/tấn), thì bình quân năm 2023 sẽ đạt 534,5 USD/tấn, tăng 9,2%, hay tăng 45,5 USD/tấn so với năm 2022.
Kịch bản 2 (kịch bản cao): nếu bình quân 1 tháng trong 5 tháng cuối năm bằng với mức của tháng 7 (543,3 USD/tấn), thì bình quân năm 2023 sẽ đạt khoảng 539 USD/tấn, tăng trên 10,8%, hay tăng gần 53 USD/tấn.
Kịch bản 3 (kịch bản kỳ vọng): nếu trong 5 tháng cuối năm tiếp tục đà tăng trong 7 tháng đầu năm, thì cả năm 2023 sẽ đạt cao hơn nữa, có thể vượt qua 550, thậm chí 600 USD/tấn.
Cách đây hơn một thập kỷ, có những thời điểm giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 800 USD, thậm chí lên đến gần 1.000 USD/tấn.
Ba là, thị trường đạt khá. Trong 6 tháng đầu năm, mặt hàng gạo của Việt Nam đã có mặt ở 30 thị trường, trong đó có 14 thị trường đạt 100 triệu USD trở lên (biểu đồ 4).
Xuất khẩu gạo tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước ở các thị trường Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Gana. Tới đây có thể xuất hiện một số thị trường tăng thêm hoặc một số thị trường mới như Tanzania, Senegal, một số thị trường ở châu Phi…
Đứng trước diễn biến tăng cao của xuất khẩu gạo 7 tháng qua và khả năng thời gian tới theo dự đoán, hành động của Việt Nam nên như thế nào? Có 2 khuyến cáo đáng quan tâm.
Khuyến cáo thứ nhất, cần tranh thủ khi đơn giá xuất khẩu gạo ở mức cao, giá gạo ở trong nước chưa tăng lớn (giá lương thực tháng 7 mới tăng 0,31% so với tháng 6, tăng 2,44% so với tháng 12/2022). Nếu không tranh thủ thì sẽ bỏ lỡ cơ hội, bởi sau đó có thể giá gạo thế giới sẽ giảm xuống và giá gạo trong nước sẽ còn tăng.
Khuyến cáo này đã tính đến cả đầu vào là giá mua gạo ở trong nước và đầu ra là giá bán gạo ở nước ngoài. Giá gạo ở trong nước có thể cao lên khi thời tiết còn diễn biến phức tạp; lượng gạo sản xuất từ nay đến cuối năm thường không “dư dả” như đầu năm… Giá gạo trên thế giới cũng có thể không còn tăng, thậm chí có thể giảm, do Nga tăng mạnh xuất khẩu ngũ cốc…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33-2023 phát hành ngày 14-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam